Kênh Thông Tin VictorWood
Kênh thông tin về tin chuyên nghành, thông tin về công ty, thông tin tuyển dụng , tin tức về sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi.

GFTN - Tấm giấy thông hành đặc biệt vào thị trường cao cấp

alt

Thực tế đáng buồn tại thị trường xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam hiện nay là số lượng doanh nghiệp trong nước chiếm đa số, khoảng 80-90% số lượng công ty trong cả nước, nhưng doanh số chỉ chiếm 20-30%, trong khi  đó doanh nghiệp nước ngoài có số lượng chỉ khoảng 20% nhưng trung bình hàng tháng xuất  đến 20- 30 triệu USD, chiếm đa số trong kim ngạch xuất khẩu. Điểm mấu chốt vẫn là ở chỗ các sản phẩm có giá trị cao, hướng tới các thị trường khó tính luôn đòi hỏi các quy trình nghiêm ngặt về nguồn gốc gỗ, trong khi các DN trong nước chưa gây dựng được uy tín đối với thị trường này. Việc có chứng chỉ FSC, COC… hay gia nhập các tổ chức như GFTN là điểm cộng cho uy tín của các DN Việt Nam.

 

Uy tín là thước đo cao nhất


Câu hỏi thường trực của các DN chế biến và sản xuất gỗ Việt Nam là: đã có chứng chỉ FSC (Forestry Stewardship Council) hay COC (Chain of Custody), tại sao lại cần phải là thành viên của GFTN? Là thành viên của GFTN, doanh nghiệp được hưởng những quyền lợi gì khác biệt.

GFTN là Mạng lưới lâm sản toàn cầu, thuộc WWF, có số lượng thành viên lên đến hơn 300 DN, thuộc các quốc gia trên toàn thế giới. Đến hết tháng 9 năm 2010, số thành viên của GFTN Việt Nam khá khiến tốn, dừng lại ở 11 thành viên.

 

alt

 

Câu trả lời cho câu hỏi trên đơn giản là uy tín và các tiêu chuẩn kinh doanh quốc tế mà GFTN có thể đảm bảo cho các doanh nghiệp thành viên của mình.Tuy nhiên, không nhiều DN gỗ Việt Nam ý thức được điều này.

Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lâm sản năm 2009 đạt 2,799 tỷ USD. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam năm 2010 là 2,95 tỷ USD, tăng 5,3% so với năm 2009, trong đó gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 2,735 tỷ USD, các sản phẩm mây tre, cói và thảm hạt đạt 190 triệu USD. Để đạt được mục tiêu này, các DN Việt Nam phải không ngững thay đổi sản phẩm và tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, một trong các hướng đi đó là sản xuất đồ indoor với lượng đặt hàng đều đặn và giá trị sản phẩm cao đang được các DN ưu tiên. Tuy nhiên, để tiếp cận được thị trường đầy tiềm năng này cũng đồng nghĩa với việc DN phải chịu nhiều sự kiểm soát chặt chẽ hơn về nguồn gốc gỗ, nguyên phụ liệu, vv… Nếu ko có các chứng chỉ, hay sự kiểm tra, công nhận của các tổ chức quốc tế, DN khó lòng có thể tiếp cận với các thị trường khó tính như Mỹ hay châu Âu.

“Hiện nay, 80% nguồn gỗ của Việt Nam đang sử dụng là gỗ nhập khẩu và 80% trong số đó là gỗ có nguồn gốc, hàng năm vẫn có khoảng 20,000m3 gỗ không rõ nguồn gốc được chế biến tại Việt Nam.” - ông Uẩn cho biết. “Nếu như FSC chỉ cho biết thông tin về gỗ có nguồn gốc được FSC cấp chứng chỉ, thì thành viên của GFTN sẽ được một tổ chức kiểm toán độc lập kiểm tra tất cả các nguồn gốc gỗ mà DN đang sử dụng và đưa ra một báo cáo chi tiết” - ông Uẩn nói thêm. Các báo cáo đánh giá của GFTN đối với một DN là tấm giấy thông hành đặc biệt cho các DN tiếp cận với cả những thị trường khó tính nhất như Mỹ và châu Âu. Sau 5 năm là thành viên của GFTN, DN phải cam kết ngừng sử dụng hoàn toàn gỗ không rõ nguồn gốc, không ai có thể đảm bảo điều này nếu DN không phải là thành viên của GFTN, ông Uẩn nói.

Thực tế hiện nay tại Việt Nam, DN xuất khẩu chỉ quan tâm đến nguồn gốc gỗ nếu có yêu cầu khách hàng, nếu trong hợp đồng yêu cầu, DN xuất khẩu sẽ phải tìm gỗ có nguồn gốc rõ ràng để sản xuất; nếu không, họ sẽ nhanh chóng lờ đi. Khó có thể phủ nhận là gỗ không rõ nguồn gốc bao giờ cũng rẻ hơn gỗ có nguồn gốc, vì vậy mà giá thành sản phẩm sẽ cạnh tranh hơn.


alt


Là thành viên của GFTN, thứ nhất, DN có cơ hội tiếp cận thị trường, các nguồn nguyên liệu có trách nhiệm, các nguồn hợp pháp có chứng chỉ hoặc đang trong quá trình chờ chứng chỉ. Thứ hai, DN sẽ được ưu tiên cung cấp thông tin về đối tác và yêu cầu của đối tác. Thứ ba, là cơ hội xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài, thông qua các chương trình hội thảo, triển lãm trong vào ngoài nước; và cuối cùng là các cơ hội đào tạo. Từ đó, DN có nhiều cơ hội được quảng bá hình ảnh và tự tin hơn khi tiếp cận với các thị trường mới.

Theo ông Uẩn, điều khiến số lượng thành viên của GFTN Việt Nam đến nay còn hạn chế do nhiều nguyên nhân từ cả hai phía, tuy nhiên, một trong số đó là các điều kiện và chu trình GFTN đặt ra khá phức tạp, quy trình kiểm toán hàng năm cũng tương đối tốn kém và đòi hỏi nhiều thời gian, do vậy một số DN vẫn chưa mặn mà tham gia vào mạng lưới này.

Hiệu quả trực tiếp khi là thành viên của GFTN khó có thể lượng hóa chính xác, nhưng theo tiết lộ của GFTN, có doanh nghiệp trước và sau khi gia nhập GFTN số đơn hàng đã tăng theo cấp số nhân, và đương nhiên doanh số và như lợi nhuận cũng tăng tỷ lệ thuận với số lượng đơn hàng.

Theo ông Uẩn, GFTN cũng đang xem xét và kết nạp thêm 1 số thành viên mới, dự kiến đên cuối năm nay số lượng thành viên sẽ tăng thêm khoảng 3-5 công ty nữa.


Vẫn còn hạn chế…


Một thực tế đáng ghi nhận là mặc dù mạng lưới GFTN toàn cầu có sức ảnh hưởng khá lớn trên thị trường xuất nhập khẩu gỗ thế giới, nhưng tại Việt Nam, các hoạt động của GFTN vẫn chưa gây được sức hút đặc biệt cho doanh nghiệp.

Đại diện một trong những công ty xuất khẩu sản phẩm gỗ hàng đầu Việt Nam cho biết, trong khi thị trường Miền Nam (riêng Bình Dương chiếm đến 40% kim ngạch xuất khẩu của cả nước) thì văn phòng của GFTN lại nằm ở Hà Nội, điều này gây không ít khó khăn cho phần đông các DN  trong Nam trong việc phải di chuyển hội họp, hay thu thập các thông tin.

Không chỉ có vậy, phí hội viên hàng năm hiện nay đang tính dựa trên doanh thu, dao động từ 4,000$- 5,000$ là chi phí không nhỏ đối với bất cứ doanh nghiệp nếu đem so sánh với mức phí chỉ vài trăm ngàn một năm quy định bởi các hiệp hội trong nước. Mặc dù, các chi phí đến nay đều rất minh bạch dựa trên mức độ phức tạp về các chu trình kiểm toán của tổ chức độc lập quốc tế, nhưng GFTN cũng đang lấy ý kiến của các DN thành viên và có phương án sửa đổi mức phí thành viên cho phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam, ông Uẩn cho biết.

Sẽ là thiếu xót nếu không nhắc đế vai trò chủ chốt của GFTN là xúc tiến thương mại, giới thiệu các thị trường mới và đối tác mới cho DN trong nước. DN sản xuất và chế biến gỗ Việt vẫn đang chờ đợi các thông tin phong phú hơn nữa, cập nhật hơn nữa và dầy đặc hơn nữa về các sự kiện, các triển lãm hay đơn thuần là các thông tin cập nhật về luật, quy định mới của các thị trường nhập khẩu chính.

Đại diện GFTN Việt Nam cũng cho biết, họ vẫn đang cố gắng thay đổi để nâng cao khả năng hỗ trợ DN trong nước bằng nhiều hành động thiết thực hơn.

Thị trường sản xuất và chế biến đồ gỗ luôn là một thị trường nhạy cảm và các nhà nhập khẩu càng ngày càng khắt khe. DN Việt muốn mở rộng thị trường sang Mỹ hay châu Âu không có cách nào khác là phải tự chuyển đổi để đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, và việc DN chủ động tham gia các tổ chức quốc tế là bước đi cần thiết đầu tiên.


(Theo Tạp Chí Gỗ Việt)

  •  
<< Quay lại
Website tk bởi MTDesign. Xem tốt nhất với độ phân giải màn hình 1024px ++,
Duyệt tốt nhất với trình duyệt web Firefox 2.0++, hoặc Internet Explorer 7.0++.
Tiếng Việt | English