Kênh Thông Tin VictorWood
Kênh thông tin về tin chuyên nghành, thông tin về công ty, thông tin tuyển dụng , tin tức về sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi.

Thuế gỗ - Từ một góc nhìn

Đối với tất cả các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, chính sách thuế đóng một vai trò quan trọng ảnh hưởng đến phát triển của DN. Riêng đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực gỗ thì vấn đề này càng thêm bức bách bởi những năm trở lại đây Chính phủ đã ban hành khá nhiều chính sách thuế dành riêng cho ngành gỗ - vốn được xem là ngành có triển vọng phát triển trong năm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nhà nước.


alt

“Mềm dẻo” chính sách thuế


Năm 2010, tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã có sự tăng trưởng tích cực. Theo đánh giá của ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam về tình hình xuất khẩu gỗ trong năm 2010, các thị trường xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đều có mức phục hồi đáng kể so với năm 2009, và kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ nhiều khả năng sẽ vượt chỉ tiêu 3 tỷ USD. Xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Mỹ có mức tăng trưởng tới 15%, ở EU con số này là khoảng 8%. Trong 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ đã đạt 2,756 tỷ USD tăng 36,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Những con số đó đã chứng minh việc xuất khẩu của Việt Nam đang ngày càng được đẩy mạnh, thể hiện vai trò của Nhà nước trong việc tạo lập hành lang thông thoáng về chính sách cho các DN nói chung và DN ngành gỗ nói riêng.

 

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc ban hành chính sách thuế của Bộ Tài chính (BTC) đã gây ra không ít khó khăn cho các DN. Nhiều ý kiến cho rằng:“Các chính sách thuế thay đổi liên tục, DN vừa mới nắm bắt được văn bản này để thực hiện thì Nhà nước đã ban hành văn bản mới. Kỹ thuật văn bản thì chung chung, hiểu theo cách nào cũng được…”  Vậy thực chất của sự thay đổi này ra sao?

Năm 2005, BTC ban hành Thông tư 113/2005/TT- BTC ngày 15/12/2005 không đánh thuế giá trị gia tăng đối với nguyên liệu nhập khẩu dùng cho sản xuất hàng xuất khẩu. Nhưng đến ngày 14/6/2007, BTC lại ban hành Thông tư 59/2007/TT- BTC để thay TT 113, áp thuế GTGT trở lại đối với nguyên liệu NK dùng sản xuất hàng XK. Sau đó, ngày 20/4/2009 BTC lại ban hành Thông tư 79/TT- BTC thay cho Thông tư 59, đối với nguyên liệu NK dùng sản xuất hàng XK thì DN cứ nộp thuế GTGT, sau đó nộp đủ các loại giấy tờ cần thiết chứng minh việc NK, việc XK... để được hoàn lại số tiền thuế đã nộp. Việc nộp trước, hoàn lại sau này vô cùng phức tạp và mệt mỏi đối với cả DN và cán bộ thuế vì các giấy tờ sổ sách.


Ngày 20/12/2007 BTC ra QĐ số 106/QĐ- BTC thu thuế XK gỗ đối với sản phẩm làm bằng gỗ rừng tự nhiên, không thu thuế XK đối với sản phẩm làm bằng gỗ rừng trồng và gỗ NK. Ngày 23/9/2008 BTC lại ban hành công văn 11270/BTC- CST  thu 10% thuế XK đối với sản phẩm XK làm bằng gỗ NK. Sau chưa đầy một tháng BTC lại ban hành QĐ 109/2008/QĐ- BTC không thu thuế XK đối với bất cứ sản phẩm gỗ nào dù làm bằng nguyên liệu có nguồn gốc rừng trồng, gỗ NK hay gỗ rừng tự nhiên. Chưa đầy một tháng sau, ngày 26/12/2008 BTC lại ban hành QĐ số 123/2008 yêu cầu thu lại thuế XK đối với sản phẩm gỗ có nguồn gốc gỗ thuộc nhóm 44.03 (gỗ cây, đã hoặc chưa bóc bỏ, giác gỗ hoặc đẽo vuông thô). Theo các DN,quyết định 123 đã đánh vào hầu hết các sản phẩm gỗ có nguyên liệu là gỗ nguyên cây, là nguyên liệu chủ yếu nhất hiện nay của ngành gỗ XK. Ngoài ra, quyết định số 123 cũng đánh vào sản phẩm gỗ có nguồn gốc nguyên liệu gỗ rừng trồng, điều  này gián tiếp được hiểu là Nhà nước không khuyến khích trồng rừng.

alt

Tính ra, chỉ riêng trong năm 2009, BTC đã thay đổi tới 4 lần về chính sách thuế XK sản phẩm gỗ, nguyên nhân có thể do không thể xác định chính xác nguồn gốc nguyên liệu sản xuất. Cũng theo ý kiến của các DN, việc đánh thuế phải dựa trên cơ sở khuyến khích sản xuất, hạn chế việc xâm hại khai thác tài nguyên quốc gia. Cụ thể là cứ đánh thuế XK đối với sản phẩm làm bằng gỗ rừng tự nhiên nhưng ngành chức năng phải có trách nhiệm xác định chính xác nguồn gốc nguyên liệu của các sản phẩm gỗ XK. Vấn đề ở đây là nguồn gốc gỗ nguyên liệu trên thị trường Việt Nam hiện nay chưa thực sự minh bạch, dẫn đến sự khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc đánh giá và áp thuế đối với các mặt hàng khác nhau. Tuy nhiên, vẫn phải cần đến một sự linh hoạt trong cách ra quyết định, công văn của BTC bởi điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh của các DN. Khi một văn bản pháp luật liên tục bị thay đổi thì sẽ gây ra tâm lý không an toàn cho nhà đầu tư, thể hiện sự vướng mắc, không ổn định của các cơ quan ban hành pháp luật.

Hiện nay, biểu thuế chung được áp dụng đối với các DN đã được BTC quy định chặt chẽ: Về loại gỗ, kích cỡ của gỗ xuất khẩu thuộc đối tượng chịu thuế (đối với những loại có tên trong biểu thuế xuất khẩu, những loại không có tên trong biểu thuế xuất khẩu thì thuế suất thuế xuất khẩu là 0%)

 

alt

 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chính sách thuế xuất khẩu 0% áp dụng đối với các sản phẩm làm từ gỗ và mặt hàng gỗ thuộc nhóm 44.07 (ván sàn, gỗ gép thanh, ván ốp tường làm từ gỗ rừng trồng…) có chiều dày từ 300mm trở xuống và chiều rộng 400mm trở xuống đang bị các DN nước ngoài lợi dụng. Các DN này sang Việt Nam, ồ ạt mua gỗ thuộc nhóm 44.07, sơ chế rồi đưa về nước sản xuất (để hưởng thuế xuất khẩu 0%), sau đó xuất đồ gỗ thành phẩm “ngược” lại Việt Nam. Nhờ đó, các DN nước ngoài tiết kiệm giảm được khoản chi phí đầu vào rất lớn, hưởng chênh lệch cao. Giá thành giảm dẫn đến giá bán giảm, khiến các DN gỗ Việt Nam không thể cạnh tranh lại về giá. Điều này tạo áp lực cạnh tranh về giá đối với các DN gỗ Việt Nam ngay tại thị trường Việt Nam.


Cần một sự nhận định rõ ràng


Một văn bản pháp luật đi vào hiệu lực là sự tổng hợp ý chí của nhân dân bởi pháp luật chính là ý chí của giai cấp thống trị được đưa lên thành luật. Bởi vậy, một văn bản pháp luật được ban hành là kết quả của quá trình cân nhắc và xem xét phù hợp giữa điều kiện thực tế của DN với sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Những năm trở lại đây, sở dĩ chính sách thuế của Nhà nước có sự thay đổi lớn như vậy bởi một mặt là do sự phát triển của công nghiệp gỗ Việt Nam, trở thành một trong năm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước nhà, mặt khác, sự không minh bạch trong việc công khai nguồn gốc gỗ xuất khẩu và nhập khẩu làm cho các cơ quan chức năng khó có thể xác định được nguồn gốc chính xác của nguyên liệu gỗ.

Cũng trong năm 2010, BTC và các bộ ngành liên quan đã tiến hành họp nhiều lần để đề xuất ra những chính sách tốt nhất, tạo điều kiện cho các DN đồ gỗ phát triển kinh doanh, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các DN trong ngành. Ví dụ như vụ việc sau khi nhận được một số công văn của Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) phản ánh một số thương nhân Việt Nam và Trung Quốc thu gom gỗ nguyên liệu dưới dạng ván sàn, gỗ ghép thanh và ván ốp tường khiến giá nguyên liệu tăng đột biến và gây khó khăn cho việc sản xuất đồ gỗ xuất khẩu cũng như đề nghị của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam về việc điều chỉnh thuế suất, thuế xuất khẩu mặt hàng gỗ thuộc nhóm 44.07 xuống 0%, Bộ Công thương đã cùng các BTC, Bộ NN& PTNT nhiều lần họp và thống nhất giảm thuế xuất nhập khẩu mặt hàng gỗ thuộc nhóm 44.07 từ 10% xuống 0% để tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu của các DN.


Gần đây, BTC có Công văn số 15166/BTC-CST xin ý kiến của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam đối với các đề xuất điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu một số các mặt hàng nhằm phục vụ công tác ban hành biểu thuế xuất nhập khẩu hàng năm. Theo đó, đề xuất bổ sung nhóm hàng gỗ nguyên liệu vào danh mục các nhóm và phân nhóm để hoàn thiện biểu thuế cho năm 2011. Rõ ràng, các cơ quan ban hành pháp luật đã có sự phân loại các loại gỗ có nguồn gốc khác nhau, tạo điều kiện cho các doanh  nghiệp nội địa tiến hành hoạt động kinh doanh và hạn chế kẽ hở của pháp luật.


(Theo Tạp Chí Gỗ Việt)

  •  
<< Quay lại
Website tk bởi MTDesign. Xem tốt nhất với độ phân giải màn hình 1024px ++,
Duyệt tốt nhất với trình duyệt web Firefox 2.0++, hoặc Internet Explorer 7.0++.
Tiếng Việt | English